Hàng chục nghìn xe ôtô lắp xong, nhập về “đắp chiếu” chờ hai bộ
Hàng chục nghìn xe ôtô lắp xong, nhập về “đắp chiếu” chờ hai bộ.
Dù lộ trình áp tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đã có từ năm 2011 nhưng tới nay việc hướng dẫn triển khai của các bộ bất nhất khiến cho dầu diesel đạt chuẩn chưa có trên thị trường, trong khi DN nhập và lắp hàng chục nghìn xe tải, xe buýt theo Euro 2 rồi “đắp chiếu” gần 3 tháng vì không được đăng kiểm.
Các bộ “rập rình”, lộ trình mờ mịt, DN có nguy cơ phá sản
Với mục tiêu giảm lượng khí thải, Quyết định 49/QĐ-TTg ra đời ngày 1.9.2011 và nêu rõ các loại xe ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ ngày 1.1.2017. Tuy nhiên, tới cuối năm 2016, động thái của các cơ quan quản lý nhà nước đều cho thấy sẽ hoãn chưa thực hiện theo lộ trình với xe sử dụng động cơ diesel do nhiên liệu chưa đáp ứng được.
Cụ thể, theo Thông báo số 398/TB-VPCP ngày 9.12.2016, ôtô du lịch, xe buýt gắn động cơ diesel sẽ áp dụng Euro 4 từ ngày 1.1.2018; còn ôtô tải gắn động cơ diesel sẽ áp dụng vào năm 2022 và công văn đề xuất của Bộ Công Thương lấy ý kiến các bộ, ngành cũng thấy xu thế “chưa thực hiện” lộ trình này. Do chưa thấy có hướng dẫn gì và cũng chưa có nhiên liệu đạt chuẩn, các DN tiếp tục ký hợp đồng mua linh kiện, phụ tùng, vật tư hoặc nhập nguyên chiếc với các đối tác nước ngoài với động cơ ôtô tiêu chuẩn Euro 2.
Tuy nhiên, ngay từ ngày 1.1.2017, Cục Đăng kiểm ra thông báo báo tạm dừng không cấp phiếu xuất xưởng cũng như giấy chứng nhận đăng kiểm cho xe sản xuất và nhập khẩu đạt mức khí thải Euro 2. Kết quả hàng nghìn xe đã ký hợp đồng không thể nhập khẩu về nước hoặc mắc kẹt ở cảng mà không được thông quan hoặc sản xuất ra không được xuất xưởng.
Theo phản ánh của nhiều DN, thị trường xe tải, xe buýt gần như “đóng băng” để chờ đợi quyết định của Chính phủ cũng như sự triển khai, hướng dẫn của các cơ quan quản lý chức năng.
Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Cty ôtô Trường Hải (Thaco) cho biết, căn cứ vào Thông báo 398/TB-VPCP ngày 9.12.2016, Thaco đã lên kế hoạch sản xuất lắp ráp xe cho cả năm 2017, ký hợp đồng nhập linh kiện trong đó có động cơ tiêu chuẩn Euro 2. Hiện nay, Cty đã lắp ráp 7.000 xe tải với động cơ Euro 2 và không thể xuất xưởng gây khó khăn cho DN, bức xúc cho khách hàng. DN này nhận định nếu việc chờ đợi hướng dẫn lộ trình tiêu chuẩn khí thải tiếp tục kéo dài, việc sản xuất sẽ gián đoạn gây ảnh hưởng tới việc làm của gần 9.000 công nhân và hơn 3.000 người ở khâu phân phối bán lẻ.
Đại diện các Cty nhập khẩu xe tải thương hiệu Howo, Kamaz cho biết, họ có nguy cơ phá sản do hàng nghìn xe đã đặt mua không được thông quan vì vướng giấy kiểm định của Cục Đăng kiểm. “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ và luôn sẵn sàng nhập xe đạt Euro 4 nhưng nhập về dầu đã đạt chuẩn đâu” - một DN cho biết.
Bộ Công Thương bảo “giãn ra”, Bộ Giao thông đề xuất “co lại”
Ngày 10.3.2017, Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý “riêng ôtô chạy bằng nhiên liệu diesel cho phép thực hiện đến 31.12.2017” và giao Bộ GTVT đề xuất phương án thực hiện trước ngày 15.3.2017.
Tới ngày 14.3, trả lời kiến nghị của DN, Bộ Công Thương xác nhận “riêng ôtô chạy bằng nhiên liệu diesel cho phép thực hiện đến 31.12.2017 theo phương án Bộ GTVT chủ trì đề xuất Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ GTVT lại đề xuất chỉ làm thủ tục nhập khẩu và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho ôtô mới chạy bằng nhiên liệu diesel nhập khẩu và động cơ ôtô, ôtô sát xi nhập khẩu phục vụ sản xuất lắp ráp ôtô mới chạy bằng nhiên liệu diesel đã làm thủ tục hải quan hoặc về đến cửa khẩu trước 31.3.2017 và từ ngày 31.3.2017, ôtô mới chạy bằng nhiên liệu diesel nhập khẩu và động cơ ôtô, ôtô sát xi nhập khẩu phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô mới phải đáp ứng Euro 4. Thông tin tréo ngoe từ hai bộ này một lần nữa khiến DN “không biết đâu mà lần”.
Trong khi đó, trao đổi ngoài lề với PV Lao Động, một Cục phó Cục Đăng kiểm cho rằng, nhiều người đang hiểu lầm là Thủ tướng chỉ đạo gia hạn áp dụng Euro 4 và đó mới chỉ là thông báo về mặt nguyên tắc. Tức là sau khi bộ, ngành trình lên, Văn phòng Chính phủ phân công nhiệm vụ thì mới triển khai thực hiện và hiện việc này mới đang trong quá trình triển khai chứ chưa kết thúc. Ông này lý giải bản chất của đề xuất của Bộ GTVT là nhằm xử lý tồn đọng vì vẫn giữ nguyên lộ trình và DN phải có trách nhiệm tuân thủ Quyết định 49. Ông này nhận định lộ trình đã có từ lâu, DN biết nhưng cứ “cố tình nhập xe Euro 2”.
Khi được hỏi về vấn đề chưa có nhiên liệu đạt chuẩn, ông này cho rằng, “có nhiều DN vẫn nhập sản xuất xe Euro 4 và chạy bình thường, tất nhiên nhiên liệu theo đúng quy chuẩn thì vận hành sẽ hiệu quả hơn nhưng không có nghĩa là không chạy được bằng nhiên liệu hiện tại (có tiêu chuẩn thấp hơn)”.
Phản ứng trước những thông tin này, các DN liên quan cho rằng, Bộ GTVT đang chơi khó DN vì đề xuất gửi Thủ tướng ngày 14.3 mà tới ngày 31.3 đã không cho DN nhập hay sản xuất thêm xe động cơ Euro 2 thì DN chỉ có 15 ngày để xoay xở cho các đơn hàng đã ký chưa về nước cũng như đang mắc kẹt ở các cảng.
Các DN kiến nghị cần có sự nhất quán, khẩn trương và hợp lý của các cơ quan quản lý trong việc triển khai thực hiện quyết định này, bởi mỗi ngày DN đang mất hàng tỉ đồng nằm chờ tháo gỡ.
Liên Hệ: 097.567.1233
Website: xetaihyundaidongnambo.com
Email: namdanghung@gmail.com
Bình luận